Những chiêu lừa từ thiện cuối năm

Cập nhật, 18:42, Thứ Năm, 16/01/2020 (GMT+7)

Cứ vào thời điểm cuối năm, bọn bất lương lại tăng cường giở chiêu trò lừa đảo với lời kêu gọi trên các trang mạng xã hội: hãy giúp đỡ những bệnh nhi bị bệnh hiểm nghèo; những bệnh nhân phải đón tết trong các bệnh viện; những gia đình khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa không khả năng đón tết…

Đi kèm với những lời kêu gọi não lòng là một số hình ảnh rất đau xót và tất nhiên không quên kèm theo số tài khoản để mọi người có thể chuyển tiền.

Chuyện tương thân tương ái là điều đáng trân trọng và cần thiết, tuy nhiên đã xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi nhắm vào lòng nhân ái của cộng đồng. Năm 2018, người viết bài này đã từng đến tận huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) để viết về trường hợp một cháu gái bị cụt cả 2 tay, 2 chân và phải sống trong căn nhà xiêu vẹo.

Sau khi báo đăng một tháng, cháu đã được một tổ chức từ thiện lắp 2 tay và 2 chân giả để có thể đi lại, sinh hoạt, học tập và những tấm lòng vàng gần xa đã cất cho cháu một căn nhà khang trang. Tuy nhiên mới đây, một trang mạng xã hội lại tiếp tục đăng tải hình ảnh đau thương của cháu bé (cụt 2 tay và 2 chân cách nay 2 năm) và căn nhà dột nát để kêu gọi mọi người giúp đỡ cháu khi ngày tết đã cận kề. Quá bức xúc, tôi đã liên hệ với người đăng tải và ngay lập tức thông tin kia bị gỡ xuống tức thì.

Một số trường hợp khác cũng đã xảy ra như: nhiều người mạo danh là thân nhân người bệnh đang khó khăn về chi phí điều trị, phẫu thuật lên mạng xã hội kêu gọi mọi người giúp đỡ kèm theo với những hình ảnh được cắt ghép rất tinh vi kèm số tài khoản để người tốt có thể chuyển tiền vào nhưng thật ra đó chỉ là một quả lừa người tốt.

Một số phòng công tác xã hội ở một số bệnh viện đã phải cảnh báo thủ đoạn trên và đề nghị mọi sự giúp đỡ nên liên hệ trực tiếp với cơ quan này để tránh bị lừa đảo- nhất là trong dịp cuối năm.

Trước đó, trên mạng xã hội cũng đã từng xuất hiện nhiều hình ảnh đau lòng như: một cháu bé bị bệnh nặng đang nằm viện cần được giúp đỡ nhưng khi các cơ quan chức năng tìm đến tận bệnh viện để hỗ trợ thì đó là tin bịa đặt để lừa đảo.

Một số trường hợp đề nghị giúp đỡ như những người cao tuổi đội rét bán rau ngoài đường phố; đi ăn xin; nhiều phụ nữ vất vưởng ở lề đường; những căn nhà dột nát đang là nơi nương tựa của các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc thì không ít những hình ảnh là “bịa đặt”; những lời kêu gọi đầy tính lừa đảo rất bài bản.

Giúp đỡ người khó khăn, bất hạnh là nghĩa cử nhân văn tốt đẹp vốn có của dân tộc ta. Tuy vậy, mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác bằng cách liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền; đến tận nơi để tìm hiểu thực tế trước khi dang tay giúp đỡ; chỉ chuyển tiền qua tài khoản để làm từ thiện với những người mình quen biết và đặt trọn niềm tin trong thời gian dài, không để bọn bất lương thừa dịp ra tay khi xuân về, tết đến.

TRƯƠNG THANH LIÊM