Cần thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

Cập nhật, 10:30, Thứ Ba, 10/12/2019 (GMT+7)

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. 

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng, thực tế hầu như rất hiếm trường hợp vi phạm bị xử lý.

   Nhiều người vẫn hút thuốc trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Nhiều người vẫn hút thuốc trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

5 năm qua, kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam giảm khoảng 2,1% vào năm 2015 so với năm 2010. Trung bình hơn 90% cán bộ, công viên chức, người lao động hiểu biết về quy định của luật.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ 3 tại ASEAN sau Indonesia và Philippines. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thì Việt Nam hiện có 45,3% người hút thuốc lá, nghĩa là cứ 2 người có 1 người hút thuốc.

Hiện nay, có khoảng 53,3% người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình, 36,8% người không hút thuốc lá làm việc trong những tòa nhà bị phơi nhiễm khói thuốc lá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì thuốc lá.

Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), để đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới còn 39%, Việt Nam cần tăng thuế tiêu thụ thuốc lá, đồng thời tăng cường hiệu quả của việc xử phạt. 

Quy định xử lý vi phạm khá rõ, song, việc chấp hành và xử lý vẫn chưa cao, do không có ai thực thi nhiệm vụ xử phạt, trong khi đó chế tài chưa có tính răn đe nghiêm khắc. Chế tài xử lý vi phạm được quy định ở nhiều nghị định xử phạt vi phạm hành chính nên việc xử lý còn gặp khó khăn. Lực lượng thanh tra mỏng, hành vi hút thuốc xảy ra nhanh, công tác xử lý vi phạm hành chính ở một số cơ quan quản lý nhà nước còn chưa hiệu quả đối với những hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, nơi cấm hút thuốc.

Các hoạt động cai nghiện thuốc lá chủ yếu mới được triển khai ở bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, chưa được triển khai toàn quốc, làm giảm sự tiếp cận của luật đối với tuyến dưới.

Trong khi đó, biện pháp chủ yếu chỉ là nhắc nhở, vận động. Rất cần có phân công nhân sự chuyên trách xử phạt những người có hành vi hút thuốc lá tại những điểm quy định cấm hút thuốc lá; đẩy mạnh việc chống buôn lậu thuốc lá và các hoạt động kinh doanh thuốc lá vi phạm luật.

Bài, ảnh: MAI ANH