Diễn đàn

Vài suy nghĩ về nhiệm vụ người làm báo cách mạng

Cập nhật, 05:36, Thứ Sáu, 21/06/2019 (GMT+7)

Trong bài viết này, tôi không đề cập về chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng mà chỉ nêu những suy nghĩ của mình về nhiệm vụ của người làm báo cách mạng phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Nhiệm vụ ở đây bao hàm trách nhiệm của người làm báo cách mạng, kể cả người viết và người lãnh đạo cơ quan báo chí.

Trước hết, tôi xin nói về những người làm báo trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có tôi đã góp một phần nhỏ vào sự nghiệp báo chí của tỉnh nhà.

Khi thoát ly gia đình tham gia kháng chiến tôi vào công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh Vĩnh Long, làm đủ công việc được phân công, trong đó có nhiệm vụ làm báo.

Khi được Đảng (cụ thể là lãnh đạo Ban Tuyên huấn tỉnh Vĩnh Long) phân công, tôi lãnh đạo Tiểu ban Thông tấn- Báo chí của tỉnh.

Dù chưa được học qua lớp báo chí nào, thế nhưng nhiệm vụ do Đảng phân công thì tôi phải cố gắng hoàn thành, không phải riêng tôi mà bất cứ ai cũng vậy, đều phải chấp hành tuyệt đối sự phân công của tổ chức.

Tiểu ban Thông tấn- Báo chí có nhiệm vụ viết tin bài về phong trào đấu tranh của quân- dân trong tỉnh đưa về Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời ra tờ báo, tờ tin của tỉnh.

Việc làm báo của chúng tôi trong thời kháng chiến chủ yếu là học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, người biết dạy người chưa biết, người đi trước dạy người đi sau, cứ thế mà làm với nhiệt tình cách mạng và với nhiệm vụ được Đảng phân công.

Công tác báo chí cũng như mọi công tác khác lúc bấy giờ đều do Đảng lãnh đạo thông qua các ban, ngành, đoàn thể của Đảng.

Ban Tuyên huấn chịu trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo báo chí, do đó tất cả bài viết đều thông qua (tức đồng ý chấp thuận cho thực hiện) lãnh đạo Ban Tuyên huấn, riêng bài xã luận của báo phải được Thường trực Tỉnh ủy (đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư Tỉnh ủy) thông qua vì nó là bài chỉ đạo của Tỉnh ủy công khai trên báo chí. Số báo nào cũng có bài xã luận, kể cả báo thường hay báo kỷ niệm các ngày lễ lớn và báo xuân (báo tết).

Cho nên có thể nói: làm báo trong thời kỳ kháng chiến đều có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng từ nội dung đến hình thức.

Nội dung tờ báo ngoài tin tức, bài viết (thường là các bài tường thuật, phóng sự phản ánh các trận đánh diệt địch, phản ánh phong trào thanh niên tòng quân, phong trào thi đua lao động sản xuất, làm nghĩa vụ “đảm phụ” nuôi quân, xây dựng xã, ấp chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng của quần chúng… còn có các bài bình luận phản tuyên truyền của địch, trong các số báo kỷ niệm ngày lễ, báo xuân có đăng thể loại văn học như thơ, tùy bút, truyện ngắn, ca cổ v.v…

Công việc làm báo nói thì nghe đơn giản, nhưng trong chiến tranh ác liệt để thực được bài tường thuật, phóng sự về các trận đánh phóng viên phải bám sát trận địa, đội bom đạn, có nhiều đồng chí hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.

Có thể nói, trong mỗi bài báo đều có chất thép của đạn bom, có cả máu xương của những anh hùng liệt sĩ.

Đó là chưa kể đến sự vất vả của những người in báo, có lúc phải thức suốt nhiều đêm liền (vì ban ngày địch đánh phá liên miên) tờ báo mới hoàn thành, có những tờ báo Ban biên tập chuẩn bị đầy đủ nội dung nhưng tình hình địch đánh phá ác liệt, nhà in không hoạt động được nên không ra được tờ báo, thế là công sức bị “đổ sông, đổ biển” vì đã mất thời gian tính.

Tôi nói điều này nhân kỷ niệm ngày báo chí Việt Nam cũng có nghĩa là nói đến truyền thống báo chí cách mạng tỉnh nhà, cũng là lời nhắc nhở đối với thế hệ làm báo hôm nay rằng: chúng ta phải tự hào vì trong việc làm báo cách mạng đã có đội ngũ làm báo như thế.

Làm báo trong thời kỳ kháng chiến hay trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay đều có một chức năng, nhiệm vụ là phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuy mỗi thời kỳ cách mạng lực lượng làm báo và sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí có khác nhau.

Về lực lượng, như trên tôi đã nói là do sự phân công của Đảng dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, sát sao của Đảng (lực lượng làm báo chủ yếu được bổ sung từ học sinh, sinh viên khi họ vào tham gia kháng chiến), họ chỉ có trình độ học vấn nhất định nhưng không có trình độ chuyên môn, càng không vững về lập trường, về tư tưởng, họ phải vừa làm vừa học (chủ yếu là tự mày mò, tự học, tự vươn lên và học hỏi lẫn nhau).

Trường học làm báo của chúng tôi là thực tiễn trong chiến đấu gian khổ hy sinh, khác với hiện nay làm báo là một nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ…

Nhưng vấn đề mà tôi muốn đề cập là người làm báo chí cách mạng dù trong thời chiến hay thời bình cũng đòi hỏi phải có lập trường, quan điểm vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, có tâm huyết và có tầm nhìn đúng đắn theo quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, vững vàng trong mọi tình huống…

Điều đó đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, kể cả công tác bố trí cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ làm báo. Mặt khác, đối với cơ quan báo chí cũng như những người làm báo cách mạng cần hiểu rõ hơn ai hết trách nhiệm của mình là cơ quan ngôn luận của Đảng, là tiếng nói của nhân dân, vì vậy không thể tách mình ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng: báo chí là tiếng nói của nhân dân nhưng cũng đồng thời là tiếng nói của Đảng.

NGUYỄN THANH