Giờ làm việc cơ quan nên tùy đặc điểm vùng miền

Cập nhật, 07:04, Thứ Tư, 22/05/2019 (GMT+7)

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức: Phương án 1 là “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”.

Thời gian làm việc dự kiến từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút; Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không nêu trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính. Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, các địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Theo tôi, ngoài đảm bảo thời gian, năng suất lao động, giờ lao động cần phù hợp với vùng miền, địa phương và phải mang tính đồng bộ. Ví dụ như giờ học của học sinh nếu không có tính thống nhất với giờ làm việc hành chính thì sẽ gây khó khăn không ít cho người làm việc theo giờ hành chính.

Phụ huynh “buộc phải cắt xén” thời gian làm việc để đưa rước con. Cụ thể: Nếu giờ hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30, nghỉ trưa 60 phút và kết thúc lúc 17h30 áp dụng ở tỉnh Vĩnh Long thì nhiều công chức, viên chức có con nhỏ phải “trốn” lúc 16h30 vì đó là giờ tan học của các bé mầm non, học sinh tiểu học, THCS.

Vô tình, nhiều người đã chiếm giờ công làm chuyện riêng, mặc dù họ không muốn. Nếu áp dụng phương án 1 thì phải thay đổi giờ vào học khoảng 8h- 8h15 và tan học lúc 17h45 phút mới hợp lý và sẽ không còn tình trạng phụ huynh trốn giờ làm rước con.

Tuy nhiên, thay đổi này có thể làm thời gian sinh học của các bé, đặc biệt trẻ mầm non có thể bị ảnh hưởng không nhỏ. Và, cũng cần tính thêm phần phụ cấp cho giáo viên nếu phải làm thêm giờ so với quy định chung.

Học sinh ở Vĩnh Long vào học từ 6h45- 7h thì thời gian làm việc của phụ huynh từ 7h15- 7h30 là hợp lý và thời gian kết thúc ngày làm việc có thể từ 16h15- 16h30. Tôi cũng cho rằng nghỉ trưa 60 phút là đủ, vì bữa trưa nên được chuẩn bị từ sáng chứ không phải đến hết buổi sáng mới đi chợ, nấu cơm, rước con… Ví dụ như ở nông thôn, nếu 8h30 con cái mới vào học thì từ 6h- 8h nông dân không biết phải làm gì; trong khi buổi sáng sớm ra đồng làm việc hiệu quả hơn.

Thực tế, ở các quốc gia phát triển, ngủ sớm, thức sớm theo các nghiên cứu là tốt cho sức khỏe. Theo ý kiến của tôi và một số người xung quanh mà tôi tham khảo, cần đảm bảo số giờ làm việc theo quy định chung, còn việc bắt đầu hay kết thúc ngày làm việc vào lúc nào nên giao từng địa phương quyết định, căn cứ vào đặc điểm thời tiết, khí hậu, thói quen và đặc điểm xã hội của từng nơi.

Thêm vào đó, nếu việc tính lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc thì việc có mặt ở cơ quan, đơn vị đúng 8h/ngày không còn quan trọng. Vấn đề là trong thời gian 1 ngày đó, công chức, viên chức lao động đã làm được gì?

VĨNH PHÚC