Gian lận và sĩ diện của người gian dối

Cập nhật, 09:05, Thứ Sáu, 24/05/2019 (GMT+7)

Cả nước hiện đang rất quan tâm vụ việc tiêu cực tại một số tỉnh- thành đã bị phát hiện năm 2018. Đã có nhiều cán bộ có liên quan bị bắt giữ, chuẩn bị truy tố đúng người, đúng tội.

Tuy nhiên, hiện dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều nhau là nên hay không nên công khai tên tuổi của các thí sinh được nâng điểm bất thường. Luồng ý kiến thứ nhất là không nên công khai để tỏ rõ tính khoan hồng, nhân văn, tránh sự mặc cảm cho các em. Ngược lại luồng ý kiến thứ hai yêu cầu công khai để giữ nghiêm phép nước, góp phần giáo dục, răn đe các trường hợp tương tự có thể xảy ra. Kết quả thế nào vẫn chưa có hồi kết.

Mới đây Cục Đào tạo, Bộ Công an thông tin: Trong số 64 thí sinh có điểm thi gian lận ở Hòa Bình thì 28 em đang học ở các trường Công an và những thí sinh này đã bị trả về địa phương. Nói nôm na theo cách nói của nông dân là bị đuổi học.

Vấn đề không chỉ ở đó mà dư luận đang đòi hỏi sự công khai có phải đây là sự áp đặt quyền lực từ cấp trên xuống cấp dưới hay là những phi vụ tiêu cực gian dối xuất phát từ hội đồng coi thi, chấm thi... Và, việc xử lý ra sao.

Nhiều người nói rất vui mà đau: Không thể chấp nhận phương châm “trúng ăn, hụt chạy” từ những cán bộ sai trái này để tạo tiền lệ cho các trường hợp tiếp sau.

Điều rất xót là những sinh viên “hụt” này sẽ ra sao khi buộc rời khỏi giảng đường ĐH do lỗi của người lớn. Người lớn đã vì sĩ diện bản thân, gia đình đã tiếp tay với cái xấu để biến mình thành những cán bộ gian lận trong thi cử đưa người thân vào các trường ĐH một cách quá “hớp”, vượt quá khả năng, trình độ của các em để hôm nay phải nhận cái kết đắng.

Nhiều người nói vui nhưng cũng rất đau: May mà phát hiện sớm, bằng không những sinh viên “bất thường” này khi ra trường lại được bố trí những chức danh, nhiệm vụ cũng “bất thường” bởi sau họ là những chiếc “dù” rất to, rất vững của người thân đang đương chức, những người đã biến hóa từ không đến có, từ ít đến nhiều điểm thi; từ trượt thành đỗ.

PHƯƠNG ANH