Phải trả lại niềm tin và sự công bằng!

Cập nhật, 08:47, Thứ Ba, 23/04/2019 (GMT+7)

Là người dân ở vùng đất học Vĩnh Long, tôi rất tự hào về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của quê hương mình, nhưng qua theo dõi tình hình liên quan đến “sự học hành” của các em, các cháu vừa qua, tôi có nhiều băn khoăn, trăn trở.

Có thể nói chưa có năm nào ngành giáo dục một số tỉnh phía Bắc bị nhiều tai tiếng như việc gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia năm 2018 vừa qua. “Con sâu làm rầu nồi canh” là phải chịu, nhưng đằng này là “hàng chục con sâu trong nồi canh” thì ai mà có thể chấp nhận được!

Con số mà cơ quan an ninh điều tra đưa ra hẳn làm chúng ta phải giật mình: 16 cán bộ liên quan đến sai phạm thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Quá trình điều tra, đã phát hiện tại 3 tỉnh trên có hàng trăm trường hợp thí sinh được nâng điểm như tại tỉnh Hà Giang có 114 thí sinh được nâng điểm, nhưng chưa làm thủ tục nhập học vào trường ĐH, còn ở tỉnh Hòa Bình có 64 thí sinh, tỉnh Sơn La có 44 thí sinh được nâng điểm.

Rất nhiều thí sinh trong số này đã nhập học tại các trường Công an, Quân đội, Y khoa (chưa kể một số em khi nghe vụ việc bị phanh phui đã không làm thủ tục nhập học)…

Qua chấm phúc khảo, đã lộ diện “những anh tài”- có em được nâng lên đến 25 điểm, như môn Toán từ 2,6 điểm lên 9,4 điểm; Vật lý từ 2,75 lên 9,5 điểm…

Với số điểm cao ngất trời này, ai không ngạc nhiên khi có em ngày thường học hành bậc trung bình, qua kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia bỗng nằm trong “top ten” thủ khoa, á khoa? Và có lẽ các em đã được biểu dương, khen thưởng, gia đình nở mày nở mặt, báo chí săn lùng… nhưng trình độ thực sự của các em có được như vậy không?

Sự đời vốn công bằng, khi phát hiện sự bất thường, những “Bùi Kiệm” ngày nào giờ bỗng dưng “đỗ thủ khoa”, thi đậu vào các trường danh giá như Công an, Quân đội mà đối với các trường này trúng tuyển được xem như là được tuyển dụng vào ngành 100%, được Nhà nước chu cấp trong suốt thời gian theo học và khi tốt nghiệp ra trường được bộ chủ quản phân công công tác, khỏi lo thất nghiệp như học ở một số trường ĐH khác!

Việc Bộ Công an và một số trường ĐH buộc thôi học và trả về địa phương những thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia đã tạo sự đồng thuận trong dư luận. Tuy nhiên, qua tham khảo ý kiến thì nhiều người vẫn chưa vừa lòng.

Họ nói rằng mọi công dân phải sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Cần phải trả lại sự công bằng cho những em học giỏi đích thực, nhất là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn phải chật vật kiếm tiền để lo chuyện học hành, trong đó chắc chắn có những em chỉ vì thiếu chừng 0,25 điểm đã bị đánh rớt một cách oan uổng vì những em học dốt nhưng được nâng điểm kia.

Đồng thời, phải có hình thức xử lý thích đáng với các phụ huynh là “tác nhân” của việc nâng điểm. Nếu phụ huynh là cán bộ, công chức thì xử lý tại đơn vị công tác như dừng khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm; nếu là dân thường thì giới thiệu công khai ở nơi cư trú, cắt ngay các danh hiệu như gia đình gương mẫu, gia đình văn hóa… Nếu có chứng cứ đã lo tiền để con em họ được nâng điểm thì xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự về “tội đưa hối lộ”.

Hãy trả lại niềm tin và sự công bằng, vì gian lận trong thi cử ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội, đến trật tự quản lý nhà nước, mà trực tiếp là ảnh hưởng đến những thí sinh học hành bằng chính năng lực của mình. Là người dân Vĩnh Long, tôi luôn tự hào địa phương mình là vùng đất học, các bậc phụ huynh và các em học sinh cũng phải tự hào như vậy!

TRẦN THẮNG