Chủ nhà trọ xin đừng "té nước theo mưa"

Cập nhật, 06:08, Thứ Năm, 28/03/2019 (GMT+7)

Qua thời gian ngắn được hưởng giá mua điện ưu đãi chưa lâu, người thuê nhà trọ là sinh viên, công nhân, người lao động nghèo lại phải lo lắng, khi ngày 20/3 đã chính thức tăng giá bán điện lên thêm 8,36%.

Sự lo lắng đối với những người sống đời nhà trọ là có thật, bởi “nước nổi thì bèo nổi”, nếu Nhà nước tăng giá điện thì kéo theo các chủ trọ tăng giá bán điện đối với người thuê là lẽ đương nhiên!

Thế nhưng, sở dĩ người đi thuê trọ lo lắng ở mỗi lần Nhà nước tăng giá điện đó là nó sẽ kéo theo bao nhiêu hệ lụy, khi mà không chỉ giá điện tăng mà chủ nhà còn tăng đồng loạt giá nước, giá nhà...

Như chúng ta thấy, ở mỗi đợt Nhà nước tăng giá điện thường chỉ dao động ở mức từ 5- 9,5% so với mức giá bán điện trước đó, nghĩa là mức tăng không quá lớn!

Cụ thể như với mức tăng giá điện được điều chỉnh mới nhất đây là 8,36%, thì tác động của nó đối với hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt là không quá lớn, nếu các hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng sẽ chỉ phải trả phụ trội thêm khoảng 7.000đ; khách hàng sử dụng 50- 100 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 14.000đ; từ 100- 200 kWh/tháng phải trả thêm 31.000đ; 200- 300 kWh phải trả thêm khoảng 53.000đ; trên 400kWh sẽ phải trả thêm khoảng 77.000đ... so với mức giá bán điện cũ!

Theo biểu đồ thống kê như vậy thì người thuê trọ phải trả phụ trội tiền điện so với mức giá bán cũ là không nhiều, nhất lại là với các phòng trọ của sinh viên, công nhân, người lao động nghèo..., khi các đối tượng này sử dụng điện mỗi tháng không nhiều.

Nhưng các chủ nhà trọ luôn nhân cơ hội “té nước theo mưa” để tăng giá điện lên cao theo ý mình. Ví dụ lần này, khi mỗi kWh theo lộ trình sẽ tăng thêm khoảng hơn 100đ thì người thuê trọ sẽ phải “gánh” sức nặng của giá điện mới từ chủ trọ lên tới 500đ, thậm chí 1.000 đ/kWh.

Chẳng nói đâu xa, khu trọ tôi sinh sống tại một quận ven thành phố, khi vừa mới nhận thông tin điện tăng giá, rất nhiều chủ trọ đã có dự kiến sẽ nâng mức bán điện cho người thuê từ 3.000 đ/kWh lên 3.500 đ/kWh.

Với các khu trọ khi trước phải chịu mức giá điện cắt cổ là 3.500đ, thì nay chủ trọ ra thông báo sẽ lên thêm 500 đ/kWh, nghĩa là người thuê phải gánh giá điện 4.000 đ/kWh...

Với việc tăng thêm 500 đ/kWh cho người thuê, nhiều chủ trọ sẽ lãi đậm. Lấy một ví dụ, khi 1 phòng sinh viên 4 người, bình thường thì giá điện cũ là 3.000 đ/kWh, mỗi tháng phòng trọ này tiêu dùng trung bình 150 kWh, hết 450.000đ; thì nay chủ trọ tăng thành 3.500đ, vị chi mỗi tháng phòng trọ sinh viên kia phải “gánh” thêm 75.000đ tiền điện, trong khi mức phụ trội tăng giá của Nhà nước ở mức tiêu dùng điện từ 100- 200kWh chỉ là 31.000đ...

Theo tính toán thì từ bấy lâu nay, giá điện mà các chủ trọ thường thu của người thuê ở hầu hết các tỉnh- thành phổ biến ở mức từ 2.500 đ/kWh- 3.000 đ/kWh đã là có lãi, vì vậy kể cả khi Nhà nước thêm 8,36% thì các chủ trọ dù không tăng giá điện của người thuê cũng đâu đã lỗ. Chính vì vậy, mong muốn của người thuê trọ nói chung là các chủ nhà trọ đừng “té nước theo mưa”, thêm phần nặng gánh cho người thuê trọ vốn thiếu trước hụt sau.

NGUYỄN THỊ LOAN