Để trở thành người tiêu dùng yêu nước và thông minh?

Cập nhật, 13:29, Thứ Ba, 26/02/2019 (GMT+7)

Vừa qua, Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) đã cho công bố kết quả nghiên cứu đối với người tiêu dùng tại một số quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam. Thông tin đáng chú ý, thông qua nhiều cuộc khảo sát cho thấy người Việt ngày càng có thói quen “sính hàng ngoại” hơn là tập trung sử dụng hàng trong nước!

Nhiều năm qua, Chính phủ và Nhà nước ta luôn thường xuyên kêu gọi “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” và đã có hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, không ít người luôn cho rằng việc biếu xén quà bánh, rượu trà (nhất là cho cấp trên hoặc những người họ trót mang ân sủng) phải mang mác ngoại mới thật sự sang trọng, ý nghĩa (?) Tâm lý chuộng hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng còn xuất phát từ mong muốn được khẳng định “đẳng cấp cá nhân”.

Cũng qua thống kê của Nielsen Việt Nam, một số người Việt Nam có tật đua đòi, mà càng đua đòi thì càng thích tiêu xài lãng phí, vô hình trung góp tay vào việc nhập siêu! Không chỉ những sản phẩm giá trị cao như hàng điện tử, điện thoại di động, thời trang, mỹ phẩm, các mặt hàng tiêu dùng thương hiệu ngoại cũng luôn nhận được nhiều sự quan tâm!

Vậy cần làm gì để người Việt Nam không quay lưng với hàng Việt Nam, nhằm trở thành người tiêu dùng yêu nước và thông minh?

Để làm được điều ấy, tôi cho rằng sẽ thật đơn giản khi bạn nhận biết mỗi khi bỏ tiền ưu tiên mua một món hàng do nước nhà sản xuất thì chính bạn đã làm lợi cho người Việt Nam chúng ta nhiều hơn so với khi mua một món hàng ngoại nhập cùng loại.

Còn khi mua hàng ngoại nhập dĩ nhiên chỉ có người bán hàng (bán buôn hoặc bán lẻ) hưởng lợi, phần lợi còn lại người sản xuất ở nước ngoài thụ hưởng.

Cũng cần nhớ rằng thực tế đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài sản xuất hàng ở Việt Nam hoặc bày bán sản phẩm của họ ở Việt Nam, song trong trường hợp này khoản lợi nhuận cũng không hề ở lại nước ta. Như vậy, ưu tiên dùng hàng Việt Nam là góp phần tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm cho đồng bào mình.

Bây giờ chúng ta hãy thử xem xét đến tỷ lệ thành phần Việt Nam trong món hàng nào đó. Ví dụ như nguồn gốc nguyên liệu làm ra món hàng.

Tỷ lệ thành phần “nội địa” trong món hàng càng cao thì mang lại lợi ích cho đồng bào ta càng nhiều. Dĩ nhiên cũng có trường hợp hàng Việt Nam không thể thay thế được hàng ngoại khiến khi ấy bắt buộc bạn phải dùng hàng ngoại.

Và, vẫn vì mục đích làm lợi cho nước nhà, ta hãy dành đủ thì giờ tìm kiếm trước khi kết luận “không hề có hàng Việt Nam phù hợp nhu cầu của mình”, bởi đôi khi có mà bạn không biết đến. Vài lý do khiến bạn không biết có thể như món hàng ấy không nổi tiếng do ít được quảng cáo hay hệ thống phân phối của họ không đủ mạnh.

Bạn nghĩ rằng hàng Việt Nam không đạt nhu cầu trong khi thật ra nó vẫn đáp ứng đủ các yêu cầu của bạn hoặc món hàng ngoại nhập có nhiều tính năng hơn hàng Việt Nam, nhưng thật ra bạn lại chưa cần dùng đến các tính năng đó hoặc tính năng đó không thật cần thiết. Vậy làm gì để tránh kiểu “kém hiểu biết” ấy? Đó là bạn nên quan tâm nhiều hơn đến các thông tin về hàng Việt Nam chất lượng cao.

Trước khi quyết định không mua một món hàng Việt Nam vì nó thiếu một tính năng nào đó so với hàng ngoại, hãy nghĩ kỹ xem tính năng đó có thật cần thiết cho mình không và cuối cùng, ta dùng hàng ngoại nếu giá tiền của nó thật sự rẻ hơn mà giá trị sử dụng cao hơn.

Như đã nói sử dụng hàng Việt Nam là yêu nước. Để có được mối quan hệ hữu hảo “người Việt dùng hàng Việt”, các nhà sản xuất trong nước cũng nên tuân thủ quan điểm “khách hàng là Thượng đế”. Làm sao luôn có được những sản phẩm chất lượng sánh với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, không đánh lừa hay gạt gẫm gây mất lòng tin người tiêu dùng.

Cạnh đó phải có nhiều hình thức quảng bá sản phẩm trong nước, dần làm thay đổi thói quen cố hữu “sính hàng ngoại” để mỗi người Việt Nam đều là “người tiêu dùng yêu nước và thông minh”, biết lựa chọn những sản phẩm phù hợp với túi tiền của mình, không chỉ vì thói quen đua đòi, “trưởng giả học làm sang”…

NGUYỄN SINH