Nhẫn tâm cho công nhân thôi việc vào cuối năm

Cập nhật, 07:56, Thứ Ba, 22/01/2019 (GMT+7)

Vừa rồi, người bạn thân ở TP Hồ Chí Minh than thở với tôi rằng bạn đã bị công ty cho thôi việc. Bạn kể rằng mình không làm sai gì, không vi phạm bất cứ điều gì nhưng bạn và hơn 30 người kém may mắn khác bị cho thôi việc với lý do công ty khó khăn, thiếu đơn đặt hàng...

Tôi cho rằng đây là điều bất khả kháng nên đành phải chấp nhận. Bạn tôi phản ứng mạnh: “Đó chỉ là lý do của họ mà thôi. Chứ thật ra đơn đặt hàng về ùn ùn, công ty tăng ca suốt. Năm nào cũng nhiều người buộc phải ngậm ngùi “ra đi” như thế, trong khi cái Tết Nguyên đán cận kề”. Hóa ra công ty đó cho thôi việc chỉ vì những cái lợi ích sâu xa cho chính họ.

Bạn tôi giải thích thêm, không riêng gì công ty của bạn, mà còn rất nhiều công ty khác ma mãnh cho công nhân nghỉ việc trong thời điểm “nhạy cảm” nhằm né thưởng tết cho công nhân, né tăng lương tối thiểu theo khu vực vào đầu năm mới.

Ngoài ra, còn né các khoản chênh lệch phải nộp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân khi lương tối thiểu vùng tăng. Vì thế họ nhẫn tâm cho công nhân cũ thôi việc, tức tốc treo bảng tuyển công nhân mới vào làm. Họ không sợ phải đào tạo nghề lại từ đầu, vì lao động phổ thông đào tạo việc rất nhanh.

Rất đáng thương với những người công nhân xa quê như bạn tôi. Họ đã khóc, mặt buồn xo, nghẹn ngào nói: “Không có tiền thưởng, tết này phải chi tiêu sao đây? Rồi qua tết, phải chạy đôn chạy đáo đi tìm việc khác nữa!”

Tết cổ truyền đã đến rồi. Ai cũng mong được thưởng tết để có thể sắm sửa trong nhà, lo cho gia đình. Vậy mà nhiều công ty lại vô tâm. Mặc dù đó có thể là theo hợp đồng lao động nhưng sống trên đời cũng cần có một chút tâm, chút tình. Tại sao nhiều doanh nghiệp đã thể hiện tấm lòng vàng bằng việc bỏ tiền ra mua rất nhiều quà, tặng vé xe cho những công nhân ở nơi xa về quê sớm ăn tết, nhưng bản thân mình lại hành xử thiếu nhân văn như thế?

Thiển nghĩ, những công ty như thế cần phải bị lên án rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người lao động biết mà né tránh đừng xin vào làm (vì làm trong thấp thỏm). Người lao động cần tìm hiểu luật lao động để đòi lại quyền lợi cho mình. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần rốt ráo vào cuộc (nếu như có sự phản ánh từ công nhân, báo đài) để giúp công nhân đòi lại công bằng.

NGUYỄN HOÀNG DUY