Coi chừng ứng dụng giả trên điện thoại

Cập nhật, 05:46, Thứ Tư, 12/09/2018 (GMT+7)

Hiện nay, trên cửa hàng Google Play, Apple iOS, Microsoft Store của điện thoại di động xuất hiện rất nhiều ứng dụng giả. Những ứng dụng “hot” như bàn phím ảo SwiftKey, trò chuyện WhatsApp, trình chiếu VLC... được cộng đồng mạng phát hiện ra giả mạo nhiều nhất.

Chúng phát triển rất giống với ứng dụng thật về biểu tượng, hình thức nhưng chất lượng thì không. Thậm chí đó có thể là phần mềm nhiễm vi rút, gián điệp, cài cắm mã độc nhằm đánh cắp thông tin trên điện thoại người dùng.

Ngoài ra, khi vô tình tải về, người dùng có thể bị những pop-up, video quảng cáo xuất hiện trên góc màn hình thường xuyên khi sử dụng. Tức nhiên hàng giả, hàng nhái đều có mục đích xấu, cần phải bài trừ.

Theo Tập đoàn Google, trong năm vừa qua hãng này đã phát hiện hơn 700.000 ứng dụng độc hại. Google đã khởi động “chiến dịch” chống lại những phần mềm giả mạo bằng hệ thống an ninh hoàn toàn mới mang tên Protect.

Theo đó, Play Protect sẽ quét qua từng phần mềm khi chúng được nhà phát triển “nhập cảnh” vào Google Play. Tuy nhiên vẫn còn lượng lớn đã vượt qua được hệ thống an ninh này. Và biết đâu chính bản thân chúng ta trở thành nạn nhân.

Vì thế, người dùng điện thoại di động nên tỉnh táo. Trước khi cài đặt ứng dụng về máy, cần xem kỹ lượt cài đặt, xem nhà phát triển (nhất là những ứng dụng nổi tiếng), xem giao diện, tìm hiểu nhiều nguồn.

Mọi người đừng nên quá tin vào những comment (bình luận) bên dưới và những dấu sao đánh giá hạng. Rất có thể đó là nick ảo được tạo ra nhằm đẩy ứng dụng đó lên lượt download nhiều.

Cần so sánh các ứng dụng trùng tên khi cửa hàng gợi ý.  Khi thấy ứng dụng có vấn đề, đòi hỏi cung cấp quyền thông tin cá nhân quá nhiều, người dùng nên gỡ bỏ để tránh những hậu quả về sau. 

NGUYỄN HOÀNG DUY