Có tiền phải biết nghĩ đến lúc không tiền

Cập nhật, 05:19, Thứ Ba, 07/08/2018 (GMT+7)

Cụ ông nhỏ thó, để đôi chân nứt nẻ chạm đất, đôi bàn tay chai sần cầm xấp giấy đứng ở quầy thuốc chờ đến lượt mình. Nhìn cụ, tôi hình dung ra cảnh cụ ở ngoài vườn đang be đất vào những gốc dừa, gốc bưởi...

Tôi đứng phía sau cụ chờ đến lượt để lãnh thuốc. Một người đi đến hỏi cụ, chắc người quen của cụ. Tôi đoán thế, vì hỏi cụ với những câu:

“Anh sao mà đi khám đây?”, “Thằng Út có đứa nào chưa?”, “Vụ này chắc lời khẳm à?... Và khi cụ quay lại, tôi thấy được nét móm duyên và những nếp nhăn lam lũ rất đỗi thân thiện và nhân hậu trên khuôn mặt cụ. Cụ chậm đáp: “…

Nó được hai đứa rồi, đứa nhờ được, đứa còn ẵm ngửa”. Đó là cách nói của các cụ “nhà ta”, không nói đến tuổi tác mà đại loại như “đến tuổi gả được rồi, vài năm lấy vợ được rồi, giúp vặt được rồi”… Không cần nói tuổi, người nghe vẫn hình dung ra.

Rồi cũng đến lượt cụ lấy thuốc, cụ đưa đơn thuốc cho chị dược sĩ rồi bảo: “Cô tính tiền thuốc trước dùm tôi. Xem tôi có đủ tiền không, nếu không đủ thì bớt ngày thuốc lại”.

“Thuốc của cụ 190.000đ!”- chị dược sĩ vui vẻ cộng tiền trước giúp cụ và bảo thế. Cụ mở xấp tiền ra đếm. Cụ gật gù, “đủ đủ, cô lấy cho tôi đi”.

Cụ làm tôi nhớ đến ông tôi. Nhớ lúc ông nằm viện, ông hỏi: “Tiền phòng có mắc không bây? Tiền thuốc bao nhiêu đặng? Hỏi xem xuất viện được chưa, chứ ở đây một ngày tốn nhiều lắm”… Rồi ông đưa mấy ngón tay nhăn nhúm từng nếp gợn sóng đếm tới đếm lui.

Ông thở dài, “tụi bây còn trẻ, còn khỏe lo mà làm, nhặt từng đồng một để dành khi già mới có phòng thân. Không làm lấy đâu ra của và không khéo vén thì túng tíu tiền nong”.

Ông nói tiếp: “Còn trẻ không biết quý, tiêu tiền trăm bạc chục chẳng sá gì, đến khi túng bấn thì mới biết quý.

Lúc có tiền phải biết nghĩ đến lúc không tiền, túng rồi mới tính thì đã muộn”. Thật ra thì ông túng nồi đồng chứ không túng nồi đất, tại ông là người tiết kiệm và hay lo.

Nỗi nhớ ông vừa trôi qua, tôi quay sang thì cụ bước ra về, mọi người phía sau hỏi thăm người quen của cụ lúc nãy về gia cảnh cụ.

Thì được biết, “tại tính hay tiết kiệm và ăn bận xuề xòa, chứ nhà ổng giàu lắm”. Không riêng gì cụ, đa phần người già không chịu nghỉ ngơi.

Họ đã quen với đôi tay siêng làm lụng và chi tiêu rất dè sẻn, tiết kiệm trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.

Tôi tự nghĩ lại mình, cứ buông thả không biết dành dụm. Khi chi tiêu quá được nhắc nhở còn cho đó là “tụng”, là cằn nhằn.

Đến đây, tôi tự nhắc mình, đừng đánh giá con người qua vẻ bề ngoài, vì đó chỉ là lớp vỏ thôi. Và tôi sẽ theo đuổi lối sống tiết kiệm của các cụ. Tôi cố gắng không để túi tiền của mình bị rò rỉ vào những việc không đáng.

TÂN AN