Nghĩ về ngòi bút của những người cầm bút

Cập nhật, 05:20, Thứ Sáu, 22/06/2018 (GMT+7)

Trong thư gửi trí thức Nam Bộ, ngày 25/5/1947, Bác Hồ đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà...”(Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2001).

Trong câu nói của Bác thì ý nghĩa của nó là vô cùng lớn lao và nhiệm vụ của người cầm bút cũng đã được nhấn mạnh.

Một là “phò chính”, tức bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải. Hai là “trừ tà”, tức lên án cái xấu cái ác, chống lại sự phi nghĩa.

Mà muốn phân biệt được đâu là “chính” đâu là “tà” thì người cầm bút phải biết dựa vào dân, phụng sự nhân dân, phải dựa vào lợi ích của dân tộc và của đất nước.

Nhà báo Hữu Thọ- nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân có lời chúc tết đầu năm, năm 2003 với các nhà báo vỏn vẹn có 6 chữ: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” đã nói lên hết được trách nhiệm của những người cầm bút đối với Đảng, với nhân dân.

Bút sắc ở đây muốn nói đến ngòi bút của người cầm bút, thể hiện ở mỗi bài viết… trong đó có những bài viết phanh phui những hành vi sai phạm pháp luật như: tham nhũng, lợi ích nhóm… hoặc đi ngược lại lợi ích của dân tộc và Tổ quốc. 

Chính vì vậy nên khi người cầm bút có trách nhiệm chấp bút một cách nghiêm túc, cẩn trọng thì cũng đã góp phần làm cho con người và xã hội càng tốt đẹp hơn.

Ngòi bút nghiêm túc, trong sáng là thể hiện cái tâm trong sáng, chính trực của người cầm bút. Ở một góc nhìn khác, nếu người cầm bút thiếu cái tâm trong sáng, dính líu vào vòng danh, lợi… thì ngòi bút chắc chắn sẽ bị “bẻ cong”, nên khi viết ra những điều thiếu chân thật, viết theo đơn “đặt hàng” từ những thế lực đen tối có nhiều quyền và lắm tiền.

Khi đó, cái giá cho một bài văn, bài báo không phải chỉ đơn thuần là nhuận bút mà còn là một khoản rất nặng tay được “trao và nhận” dưới dạng quà biếu kèm phong bì mà người cầm bút khi nhận phải cúi đầu, dạ vâng, hứa hẹn…

Có một điều rất đau lòng là trong cuộc sống thực tế hiện nay có những nhà báo đã không chỉ nhận từ sự gợi ý lo lót của chủ thể sai phạm mà còn đi gợi ý ngược, thậm chí dọa đăng bài, hạ uy tín để “được nhận” khoản lo lót nặng ký hơn.

Đôi khi, ngòi bút bị bẻ cong còn là thái độ im hơi, lặng tiếng trước một hay nhiều sự thật mà những người cầm bút biết rất rõ là bất công, là thối nát, là tham nhũng…

Nhưng vẫn phải cứ làm ngơ vì họ có thế lực, họ có đủ quyền hành để có thể bịt miệng mình, thứ quyền hành đến từ sự tác oai, tác quái, coi trời bằng vung, hăm dọa đến hành hung người tác nghiệp.

Khi người cầm bút không đủ dũng cảm hoặc không đủ tỉnh táo cũng như không đủ sức mạnh để thắng trước uy quyền, sự ngang ngược và cả sự cám dỗ ngọt ngào của lợi lộc bất chính thì sẽ để cho ngòi bút bị bẻ gãy hoặc uốn cong.

Khi ngòi bút đã bị ma lực đồng tiền bẻ cong, tính chiến đấu không còn nữa thì bài viết sẽ bị công chúng lên án và lương tâm người viết luôn luôn bị cắn rứt, dằn vặt.

Chính vì vậy mà đòi hỏi người cầm bút phải có cái tâm, cái tầm và có cách nhìn toàn diện, nhìn rõ, nhìn đúng sự việc, không được nhìn lệch, nhìn sai.

Không được để cho những vật chất và những ham muốn tầm thường làm mờ mắt. Nếu nhìn chưa rõ, chưa trực tiếp thấy thì đừng viết. Người viết phải có quan điểm rõ ràng, có chính kiến và luôn đặt lợi ích của tập thể, của quốc gia, của dân tộc lên trên hết.

Để thực hiện tốt những trách nhiệm xã hội nặng nề của người cầm bút, Đảng và Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa để các nhà báo, nhà văn có đủ điều kiện thuận lợi hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trong sự phát triển không ngừng của đất nước, những người cầm bút không ngừng rèn luyện nghiệp vụ, chuyên môn, thường xuyên trau dồi phẩm chất, đạo đức và rèn luyện bản lĩnh của người cầm bút, để thực sự trở thành một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa- tư tưởng của Đảng, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của nhân dân.

HOÀNG BÍCH HÀ