Miễn phí nhưng đừng lãng phí!

Cập nhật, 05:54, Thứ Năm, 07/06/2018 (GMT+7)

Hôm rồi, tôi cùng đoàn đi du lịch đến viếng một ngôi chùa ở TP Vũng Tàu. Hôm đó, khách đến viếng chùa rất đông. Phía ngoài lộ (gần cổng chùa), có 2 chỗ bày thức ăn chay như: cơm, bánh chuối, bánh đậu xanh, bún riêu,… đang cấp phát miễn phí cho khách qua lại, đặc biệt là khách thập phương đến viếng chùa.

Theo quy định của chủ cấp phát thức ăn chay nơi đây, mỗi người chỉ nhận được một phần cơm, các loại bánh thì mỗi người được nhận tối đa 2 hộp nhỏ.

Tuy nhiên, theo quan sát của người viết, có không ít người vì muốn nhận được nhiều thức ăn nên nghĩ ra cách mang thức ăn vừa nhận để lên trên xe rồi quay trở xuống nhận tiếp.

Có lẽ do lượng khách tụ họp xung quanh chờ nhận thức ăn rất đông nên những người cấp phát không thể nhớ ai nhận rồi, ai chưa nhận.

Vì thế có một số người nhận đến 2- 3 lần thức ăn. Điều đáng nói là thức ăn họ nhận nhiều quá, ăn không hết để rồi sau đó có người còn quăng bỏ ra bên đường.

Hành động đó trước hết gây ra sự lãng phí không đáng có. Như chúng ta biết, thức ăn được chuẩn bị để cấp phát miễn phí là có giới hạn.

Nếu người đến trước lấy nhiều thì đến người sau sẽ hết phần. Trong khi đó, còn rất nhiều người đến sau cần thức ăn mà không đủ để phát.

Hơn nữa, đây là thức ăn không phải tự dưng từ trên trời rơi xuống mà có, người cấp phát phải bỏ tiền ra mua nguyên liệu tươi, rồi bỏ công sức ra để chế biến thành món ăn cấp phát miễn phí cho người có nhu cầu.

Một khi lấy nhiều thức ăn dẫn đến việc ăn không hết, rồi vứt bỏ là sự lãng phí không những tiền của, mà cả công sức của những người cấp phát.

Kế đến, hành động đó còn gây ô nhiễm môi trường.

Thiết nghĩ, thức ăn miễn phí là cả tâm huyết của người hành nghề từ thiện với mong muốn được chung tay giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống.

Do đó khi chúng ta nhận thức ăn miễn phí thì phải có ý thức tiết kiệm, tránh gây lãng phí trong việc sử dụng thức ăn. Đây là hành động nhỏ, nhưng mang lại lợi ích thiết thực trong cuộc sống.

NGUYỄN VĂN DÔ