Cho con được "thở"!

Cập nhật, 05:15, Thứ Tư, 02/05/2018 (GMT+7)

Vì sao tôi lại viết như vậy? Vì hiện nay, con cái đang “ì ạch” cõng ước mơ của cha mẹ quá nhiều. Thời khóa biểu kín mít, “chạy sô” học thêm hầu hết các môn, cuối tuần chỉ biết vùi đầu trong bài vở để rồi thường xuyên nuốt vội ổ bánh mì, gói xôi trên yên xe. 

Tất cả chỉ để đạt được mục tiêu của cha mẹ là con luôn là học sinh giỏi. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: Con bạn được gì và mất chi?

Có lẽ con tôi chưa lớn, chưa đến tuổi đến trường nên tôi chưa hiểu hết nỗi lòng của những bậc làm cha làm mẹ. Nhưng tôi đã từng có được một tuổi thơ đẹp, hồn nhiên và trong sáng nên tôi thấy chạnh lòng cho những ước mơ thật giản dị nhưng lại hóa xa vời.

Một sáng giữa tuần nhưng là ngày nghỉ lễ, khi tôi đang lui xe chuẩn bị ra chợ mua thức ăn thết đãi gia đình thì từ nhà bên cạnh vọng sang tiếng gắt gỏng của người mẹ xen lẫn tiếng khóc của thằng con trai.

Bé chạy vội sang nhà tôi mếu máo bảo: “Con giận mẹ rồi! Con ở bên nhà dì luôn! Con muốn về nội! Con muốn về nội!” Thì ra, hôm nay thằng bé (7 tuổi) được nghỉ chính khóa đòi về nhà nội chơi nhưng mẹ nó bảo nó phải đi học thêm.

Cuối cùng, trước áp lực của mẹ nó, nó cũng đành quảy cặp mà đi. Thế đấy! Đây có lẽ là trường hợp phổ biến trong xã hội ngày nay.

Có rất nhiều bạn nhỏ đang bị “cướp” mất tuổi thơ của mình. Thậm chí có học sinh còn chọn cách kết thúc mạng sống cũng bởi những áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ về thành tích học tập.

Cái chết của em H.T.C.- học sinh lớp 10E3 Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình- TP Hồ Chí Minh) ngày 10/4 mới đây là một thí dụ đau lòng.

Tuổi thơ nào cũng phải cần uốn nắn và dạy bảo mới thành người tài giỏi, hữu ích cho xã hội. Nhưng tuổi thơ nào cũng cần được chơi, được học hỏi, được biết đó biết đây.

Hãy để bé “đi”, để bé khám phá, học hỏi mà trưởng thành. Đừng đo cuộc đời con bằng điểm số! Đừng vùi lấp tuổi thơ đúng nghĩa của con bằng ước mơ của cha mẹ!

Đã đến lúc các bậc phụ huynh cần “thức tỉnh”, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mình mà không cho chúng làm những điều theo mong muốn, sở thích và năng lực. Hãy cho con “không gian thở” và chắc chắn kết quả học tập sẽ tốt hơn các bậc cha mẹ ạ!

DIỄM KIỀU