Nỗi lo "tai nạn" y khoa

Cập nhật, 13:53, Thứ Ba, 24/04/2018 (GMT+7)

Không ai, kể cả những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực y tế có thể khẳng định mình sẽ không gặp phải những “tai nạn” y khoa.

Dẫu biết rằng đã là con người thì ai cũng phải có sai sót. Nhưng ở bất cứ ngành nghề nào đã là sai sót thì không thể chấp nhận được, đặc biệt đối với ngành y thì càng không thể chấp nhận bởi đằng sau sự tắc trách là tính mạng của con người.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Liễu (Phường 2- TP Vĩnh Long) nói: “Hàng ngày, cô có theo dõi báo, đài. Cô thấy thời gian gần đây, dư luận liên tiếp thông tin về những ca mổ nhầm, cắt nhầm hay những vụ việc tắc trách của nhân viên y tế khiến cho người bệnh phải chịu đau đớn, mất mát, thiệt thòi không gì bù đắp được.

Xem những thông tin ấy bản thân cô cảm thấy vô cùng bất an, lo lắng. Ai mà không có trong người bệnh với tật. Liệu mình có phải là nạn nhân của những “tai nạn” y khoa tiếp theo”.

Cô cho biết thêm: “Cô có người bạn thân đi làm răng ở một bác sĩ tư. Răng người bạn ấy của cô bị hư phải nhổ nhưng bác sĩ lại nhổ nhầm cái răng kề bên. Đó chỉ là cái răng nên không đe dọa đến tính mạng con người, còn tay, chân hay thận… bị cắt nhầm như những trường hợp đã xảy ra thì làm sao phục hồi được?”

Phải nhìn nhận sự thật đau lòng rằng: Ở nước ta thời gian qua, các vụ việc nhầm lẫn của y- bác sĩ không phải là tình trạng hiếm. Nhưng phải chân tình mà nói không có ngành nghề nào áp lực và trách nhiệm như ngành y.

Ở đấy đã là tập hợp của những con người tinh tú nhất, đầu vào tuyển chọn phải là những thí sinh với số điểm hàng đầu. Mang trên vai sứ mệnh là một bác sĩ gánh trọn niềm tin của người dân thì có ai mong muốn những điều không hay đến với bệnh nhân mình!

Song, nhân viên y tế cũng là con người nên cũng có thể mắc phải những sai sót. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những sai sót đáng tiếc, trong đó có lẽ nguyên nhân hàng đầu là sự mệt mỏi do áp lực công việc, do sự quá tải ở các bệnh viện; do phân tâm, do lo lắng cơm áo gạo tiền và do cả sự chủ quan. Tuy nhiên dù với bất kỳ lý do gì, để xảy ra sai sót là đáng trách và phải chịu trách nhiệm.

Bởi điều mà họ đối diện không phải là tình huống bình thường mà là sự sống và cái chết. Nếu cẩn trọng hơn, chắc người thầy thuốc đã có thể ngăn ngừa hầu hết những căn nguyên gây nên những sai sót kể trên.

Nỗi đau về tinh thần, thể xác mà người bệnh phải gánh chịu không gì có thể bù đắp. Vậy nên hơn lúc nào hết, điều người bệnh cần là sự tận tâm, trách nhiệm của bác sĩ trước mỗi bệnh nhân.

Có như vậy mới giảm thiểu “tai nạn” không đáng có trong y khoa. Mong rằng những “tai nạn” vừa qua là hồi chuông cảnh báo nhưng cũng là hồi chuông cuối cùng.

DIỄM KIỀU