Trái này không ngửi cũng không ăn?!

Cập nhật, 06:23, Thứ Tư, 03/01/2018 (GMT+7)

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp vẫn là vấn đề nói hoài nói mãi hiện nay. Song, thực trạng này vẫn “giậm chân tại chỗ”, thậm chí còn đang ở mức báo động, khiến người tiêu dùng rất bức xúc.

Mới đây, chị K.- bạn tôi, vô cùng bực tức khi mua gần 2kg táo với giá 20.000 đ/kg mà chẳng ăn được trái nào. Lý do là táo ngậm đầy mùi thuốc trừ sâu.

Dù đã cẩn thận rửa sạch nhưng chị K. vẫn nghe mùi thuốc trừ sâu nồng nặc, thử những trái khác thì cũng cùng chung số phận.

Chị K. chỉ còn cách bỏ đi số táo xanh mởn, no tròn mới mua mà vừa tiếc, vừa tức. Chị K. nói: “Không bao giờ ghé mua chỗ tiệm bán trái cây đó nữa, buôn bán gì kỳ quá, không có tâm chút nào”.

Trường hợp của chị K. chỉ là rất nhỏ giữa ma trận thực phẩm bẩn như hiện nay. Bởi vẫn còn không ít nông dân trồng cây trái theo kiểu “sáng xịt, chiều hái” hoặc “chiều xịt, sáng hái”, bởi theo họ có như vậy nhìn rau quả mới xanh tươi, mới đẹp, mới hút người mua!

Và sau khi được “tắm táp” như vậy, nông sản cứ thế ung dung bước lên bàn ăn hàng ngày của mỗi gia đình.

Chưa kể, nhiều người trồng còn khoanh vùng “cây này để bán, cây này để ăn” và dĩ nhiên 2 chế độ “chăm sóc” cũng khác nhau.

Cây trồng để ăn, thì người trồng cặm cụi bắt sâu, nhổ cỏ để có được rau xanh, trái sạch; còn cây trồng để bán, thì “khỏe hơn nhiều” vì chỉ việc xịt và xịt thuốc trừ sâu là xong, chưa nói là chỉ cần mới có dấu hiệu của sâu bệnh là xịt, phun thuốc… với liều lượng càng đậm đặc càng tốt.

Suốt vòng đời sinh trưởng của rau trái từ khi chúng mới được trồng đến khi cho thu hoạch, bất cứ giai đoạn nào cũng đều bị tẩm ướp bằng các thứ hóa chất: nào là xanh lá, tốt cây, dưỡng trái, lên màu...

Và cứ vậy, người tiêu dùng vô tình sử dụng các loại rau quả tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hay nói đúng hơn là chỉ còn cách chấp nhận tiêu dùng thực phẩm bẩn một cách thụ động!

Đó cũng là câu trả lời vì sao nông sản có chữ “sạch” luôn đắt gấp mấy lần nông sản “để bán”.

Chỉ mong người nông dân lẫn người bán có tâm hơn, công bằng hơn, hãy bán nông sản chất lượng đúng như chất lượng nông sản để chính mình ăn.

Hãy xem sức khỏe người tiêu dùng như sức khỏe của mình. Có như vậy mới lấy được lòng tin của người tiêu dùng và nâng giá trị nông sản, không lo bế tắc đầu ra.

THẢO NGUYÊN