Đừng tiết kiệm nói lời cảm ơn!

Cập nhật, 05:54, Thứ Tư, 05/07/2017 (GMT+7)

Buổi trưa một ngày giữa tuần, tôi ghé vào buồng ATM tại một điểm giao dịch của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để rút tiền. 

Khi tôi đang thực hiện những thao tác rút tiền của mình, thì tại buồng bên cạnh có một thanh niên gần 30 tuổi cũng đang rút tiền. Khi tôi vẫn còn thực hiện việc rút tiền thì thanh niên nọ đã rời cây rút tiền định chạy xe đi.

Tôi nghe thấy tiếng kêu phát ra ở buồng máy ATM bên cạnh, nhìn qua lớp kính mỏng dùng ngăn cách 2 buồng, tôi thấy một xấp tiền loại mệnh giá 500.000đ vẫn còn nằm ở khe trả tiền của máy ATM.

Nhanh nhảu, tôi mở cửa thông báo cho thanh niên kia biết là tiền của anh ta vẫn còn, bởi tôi biết chính xác đó là tiền của anh ta, vì anh ta vừa rời buồng mà lúc đó chưa hề có khách nào khác vào trạm giao dịch.

Được tôi thông báo, thanh niên nọ quay lại buồng và lấy tiền, lúc này tôi mới biết đó là 2 triệu đồng.

Khi chuẩn bị lên xe máy để rời đi, anh ta chỉ giải thích “ngỡ máy hết tiền, nên sau khi đặt lệnh mã rút mà tiền không kịp ra nên định sang một cây ATM khác để rút” nhưng không hề nói một lời cảm ơn! Giá như anh kia chỉ cần thốt lên câu cảm ơn giản đơn thì tôi cảm thấy vui bao nhiêu.

Trong cuộc sống thường ngày, thật ra tôi từng gặp không ít những người biết cách cư xử, đối nhân xử thế, giao tiếp lịch thiệp, hòa nhã, vui vẻ, đúng chừng mực khiến tôi vui lòng.

Đó là khi tôi vô tình dẫm vào chân một hành khách trên xe buýt đông đúc, thay vì cáu giận, tỏ thái độ này nọ, người khách kia đã rất niềm nở vui cười khi nhận từ tôi câu xin lỗi!

Hay như, rất nhiều lần đang đi trên đường phố, gặp người ta hỏi đường, tôi tận tình chỉ bảo và những người đó đều không quên nói lời cảm ơn.

Nói chung là tôi nhận được rất nhiều những câu nói “cảm ơn” khi mình giúp được gì cho người khác dù là nhỏ nhất, và “xin lỗi” mỗi khi người ta “động chạm” hay vô tình “xúc phạm” mình... Thế nhưng, chuyện gặp những người tương tự như câu chuyện tôi kể ở trạm rút tiền cũng không phải là ít.

Ví dụ như tháng trước, lúc đang đứng chờ xe buýt tại một trạm dừng trên đường, tôi trông thấy một phụ nữ khoảng 40 tuổi đang đi xe đạp bị xe máy đi từ phía sau tông phải ngã xuống nền đường. Thanh niên đi xe máy vội phóng vượt đi, bỏ mặc chị ấy ngã vật cùng chiếc xe đạp. Tôi tiến lại đỡ chị dậy, hỏi xem chị có bị sao không?!

May mà cú tông nhẹ nên chị chỉ bị xây xát qua loa chút phần mềm ở chân, vì vậy chỉ một lát sau chị có thể đứng dậy đạp xe đi bình thường.

Khi chị đi khuất, lúc đó tôi mới định thần nghĩ lại là chị ta không hề nói một lời cảm ơn, mặc dù tôi là người duy nhất giúp chị ấy lúc hoạn nạn trên đường. Câu chuyện cũng thoảng qua nhanh, tôi không nghĩ nhiều và cho là chị ta vô tình... quên, để lòng mình nhẹ nhõm...

Vâng, trong cuộc sống đời thường, mọi người chúng ta không nên quá tiết kiệm nói lời cảm ơn mỗi khi ai đó giúp đỡ mình, bởi lời cảm ơn thể hiện sự giao tiếp có văn hóa và cần phải có trong các mối giao tiếp.

Tôi nghĩ, người lớn thường xuyên nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ trong đời sống hàng ngày cũng là một cách giáo dục tốt hướng tới con trẻ, vì khi lớn lên con trẻ sẽ bị “nhiễm” những cách ứng xử đầy văn hóa đó giữa con người với nhau...

TRỊNH VIẾT HIỆP