Lời chào cao hơn mâm cỗ

Cập nhật, 09:37, Thứ Tư, 29/06/2016 (GMT+7)

Vào một buổi trưa, tôi đang ngồi uống cà phê cùng với những đứa bạn thì có 2 phụ nữ bước vào quán. Khuôn mặt giận dữ của 1 trong 2 người khiến cả bàn chúng tôi và vài vị khách trong quán chú ý.

Ngay khi tìm được chỗ ngồi, người phụ nữ ấy lên tiếng với bạn bằng chất giọng vừa giận dữ, vừa đủ cho những người đang chú ý nghe được:

“Con nít thời nay thiếu giáo dục quá. Cùng làm một cơ quan, lại gặp nhau ngay trong cơ quan, mình lớn hơn nó mười mấy tuổi đã chào nó trước, thế mà nó làm như không quen biết, mặt lạnh như tiền, đến một cái gật đầu đáp lễ cũng không có. Mình thấy xấu hổ quá! “Hơn 30 tuổi rồi còn con nít gì nữa! Chẳng qua vị thế nó tốt hơn, bằng cấp cũng cao hơn nên cố tình tỏ ra coi thường đồng nghiệp đấy mà!”

Tình cờ nghe được lời trò chuyện của 2 nữ viên chức trên, tôi nghĩ ngay đến câu thành ngữ “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.

Có lẽ không người Việt Nam nào không hiểu câu thành ngữ đó. Nhiều lần về nông thôn, đúng giờ tan trường, trên cả một quãng đường dài, tôi liên tục nhận được nhiều tiếng “thưa thầy, thưa cô” từ phía các em học sinh. Nhiều em vừa chào vừa vòng tay dù chẳng biết tôi là ai, mà chỉ biết đó là người lớn. Điều đó chắc ít người ngạc nhiên, vì ai cũng có thể đoán các em được nhà trường giáo dục phải lễ phép với người lớn.

Chuyện phải biết chào hỏi người lớn, mỗi con người chúng ta không chỉ được dạy dỗ ở nhà trường, mà từ khi vừa biết nói, vừa biết nhận thức về cuộc sống đã được cha mẹ, họ hàng và cả người lớn tuổi xung quanh nhắc nhở “ạ bác đi con”, “chào cô đi con”,…

Có lẽ vì thế mà sẽ có nhiều người trong quán cà phê trưa hôm đó dù không hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện của 2 người phụ nữ trên thì vẫn đồng cảm với sự bức xúc của họ.

Theo lời của họ, có thể hình dung ra người phụ nữ thứ ba là người có vị thế, học cao, thành công trong công việc hơn nhiều người khác. Nhưng không thể vì thế mà cô ấy quên đi đạo lý cơ bản của con người, không thể vì thế mà cho mình cái quyền được xem thường đồng nghiệp, lại lớn tuổi hơn mình!

Bởi chắc chắn một điều, dù học cao đến đâu cũng không thể tìm thấy một cuốn sách nào tán thành thái độ đó. Và đáng lẽ càng học cao, càng hiểu rộng thì càng phải biết lễ nghĩa hơn mới xứng với sách vở đã học, công thầy ơn cô đã dạy.

Chỉ một lời chào hỏi xã giao hay một cái gật đầu với người đối diện hoặc một nụ cười cũng được…

Chắc chắn điều đó không khó khăn với bất kỳ ai, thì tại sao không làm vui lòng nhau? Điều đáng buồn là hầu như ai cũng từng gặp cảnh như 2 người phụ nữ ấy trong cuộc sống hàng ngày.

HẢI MINH