Cần ý thức khi sử dụng đèn xe

Cập nhật, 05:27, Thứ Tư, 23/05/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, nhiều bạn đọc phản ánh thực trạng lạm dụng đèn pha (chiếu xa) vào ban đêm, nhất là việc sử dụng các loại đèn xenon, đèn LED trợ sáng, gây ảnh hưởng đến khả năng quan sát và phản xạ của người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đèn trợ sáng chỉ tiện ích khi được sử dụng đúng chức năng. Trong ảnh: Đèn LED trợ sáng được lắp đặt trên một xe máy.
Đèn trợ sáng chỉ tiện ích khi được sử dụng đúng chức năng. Trong ảnh: Đèn LED trợ sáng được lắp đặt trên một xe máy.

Các phương tiện giao thông được trang bị đèn pha nhằm hỗ trợ tầm quan sát của người đi đường trong đêm tối, góp phần hạn chế những rủi ro tai nạn.

Tuy nhiên, việc sử dụng đèn xe sao cho đúng quy định để không gây ảnh hưởng, nguy hiểm cho người khác lại phụ thuộc vào ý thức của người điều khiển phương tiện.

Đèn pha là một trang bị cần thiết đối với xe máy, song, việc sử dụng không đúng chức năng hay cố tình lạm dụng có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc- không chỉ gây cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện lưu thông chiều ngược lại mà còn ảnh hưởng đến các xe chạy phía trước, khi bị đèn pha rọi qua gương chiếu hậu.

Việc sử dụng đèn pha không đúng nơi, đúng lúc còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi ngược chiều, khi họ không thể quan sát do bị ánh sáng đèn pha làm lóa mắt trong thời gian ngắn.

Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều chủ phương tiện tự ý thay đổi thiết kế hoặc lắp đặt thêm các loại đèn trợ sáng để tăng cường khả năng chiếu sáng của xe.

Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại đèn xe được quảng cáo là siêu sáng, bày bán ở các cửa hàng hoặc các trang mạng buôn bán trực tuyến, kèm những lời chào mời hấp dẫn: “không sáng không lấy tiền”; “đèn LED sáng siêu hạng”... với giá từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng.

Theo chủ một cửa hàng phụ tùng xe máy ở TP Vĩnh Long, hiện nay các loại đèn trên được nhiều người lựa chọn sử dụng, một phần vì nhu cầu thực sự, một phần muốn chơi trội nên vô tư lắp đặt. Bất chấp việc tự ý thay đổi loại đèn không tương thích kết cấu xe có thể gây chập điện, dẫn đến cháy nổ.

Không những vậy, trên các diễn đàn, mạng xã hội thời gian qua có khá nhiều phản ánh, ý kiến bức xúc về thực trạng lạm dụng đèn xe siêu sáng khi tham gia giao thông.

“Xe tôi cũng có lắp đèn trợ sáng nhưng chỉ sử dụng khi vào đoạn đường tối và bật chiếu gần khi gặp xe ngược chiều, bởi tôi hiểu cảm giác bị người khác pha đèn vào mặt, rất khó chịu, nhất là những xe đi ngược chiều, đã vậy có người còn “độ” đèn LED sáng rực phía sau xe.

Đề nghị lực lượng chức năng mạnh tay xử phạt những trường hợp này”- bạn đọc Trần Tiến cho rằng đèn trợ sáng chỉ tiện ích khi được sử dụng một cách hợp lý.

Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi sử dụng đèn chiếu xa trong khu vực đô thị và khu đông dân cư (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ).

Chế tài xử phạt được quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, cụ thể việc sử dụng đèn chiếu xa trong khu đông dân cư có thể bị xử phạt tiền từ 600.000- 800.000đ (đối với ô tô); và từ 80.000-100.000đ (đối với mô tô, xe máy).

Quy định là vậy, nhưng trong thực tế rất ít trường hợp bị xử phạt nên tình trạng vi phạm ngày một phổ biến.

Do đó, khi lái xe vào ban đêm, người điều khiển phương tiện cần tự giác điều chỉnh đèn chiếu gần, chiếu xa cho phù hợp. Hạn chế thấp nhất việc sử dụng đèn pha để phòng ngừa tai nạn xảy ra, cũng là cách để mỗi chúng ta tự bảo vệ mình, đồng thời không ảnh hưởng đến những người cùng tham gia giao thông.

Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, người đi đường cần tuân thủ các quy định trong việc lắp đặt, sử dụng các loại đèn xe. Nhất là việc sử dụng đèn xe đúng chức năng, đúng nơi, đúng lúc, tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh, đồng thời thể hiện văn hóa giao thông nơi công cộng.

Nghị định 46 còn quy định xử phạt các lỗi vi phạm liên quan đến đèn xe, cụ thể:

Đối với ôtô (các xe tương tự ôtô), phạt tiền 300.000- 400.000đ về hành vi lái xe không có đủ đèn chiếu sáng, hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế. Phạt tiền 800.000- 1.000.000đ về hành vi lái xe lắp thêm đèn chiếu sáng phía sau xe.

Đối với xe máy (các xe tương tự xe máy), phạt tiền 100.000- 200.000đ về hành vi lái xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế và lái xe lắp đèn chiếu sáng phía sau xe.

Ngoài việc bị phạt tiền, một số lỗi vi phạm liên quan đến đèn xe, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1- 3 tháng.

Bài, ảnh: PHẠM TẤN