Khi nào bị coi là phạm tội mua bán người?

Cập nhật, 08:36, Thứ Ba, 16/02/2016 (GMT+7)

Những người môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài trong trường hợp nào thì bị coi là phạm tội mua bán người?

Trần Thanh Sang

(Mang Thít)

Trả lời:

Theo hướng dẫn tại các điểm a, b khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP, những người môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài bị coi là phạm tội mua bán người theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) khi thuộc một trong các trường hợp sau:

Người môi giới, đưa người đi lao động nước ngoài mà biết người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) ra nước ngoài sẽ bị cưỡng bức lao động, bóc lột trái phép (như: người bị đưa ra nước ngoài bị buộc phải làm việc trong môi trường độc hại, không bảo đảm an toàn lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe; phải làm việc mà không được trả lương; bị buộc phải hoạt động mại dâm) nhưng vẫn lừa gạt hoặc ép buộc người lao động và giao họ cho phía nước ngoài để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác;

Sử dụng thủ đoạn môi giới đưa lao động ra nước ngoài để chuyển giao người lao động cho phía nước ngoài bán người lao động cho người khác.

PHÒNG BẠN ĐỌC