Diễn đàn

Chữ “ăn”

Cập nhật, 08:07, Thứ Ba, 25/02/2014 (GMT+7)

Ăn là một động từ không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, ông cha ta đã nói “Có thực mới vực được đạo” hay câu “ Dĩ thực vi tiên”.

Đúng vậy con người có ăn mới có tồn tại sự sống, hết ăn được là chấm hết cuộc đời. Nếu con người sống mà không ăn thì lấy đâu ra năng lượng để duy trì sự sống? Trong cuộc sống đời thường nếu ta nói nhiều đến từ “ăn” thì coi là phàm tục.

Nhưng nếu không ăn thì liệu con người có tồn tại không? Nói chính xác hơn đó là ăn uống. Khi con người hình thành đã luôn luôn đấu tranh để kiếm miếng ăn tránh cái đói. Không nói gì xa xôi, lịch sử đất nước ta sẽ không bao giờ quên được nạn đói năm 1945 (Ất Dậu) ở thế kỷ XX đã có hơn 2 triệu người bị chết đói, thế mới biết “ăn” nó quan trọng đến nhường nào.

Ở các vùng thôn quê miền Bắc, hễ gặp nhau thì câu chào hỏi cửa miệng đầu tiên là: Ông (bà, chú, bác, cô, dì…) đã ăn cơm chưa? Ta thường nhận được câu trả lời là: Dạ (thưa…) đã dùng rồi ạ! Đó là thông điệp của sự bình yên.

Trong cuộc sống thường ngày động từ “ăn” trong ngôn ngữ tiếng Việt được nhân dân ta sử dụng một cách thông thục, khôn khéo và phong phú về ngữ và nghĩa. Để chỉ một sự việc cụ thể rõ ràng có: ăn cơm, ăn khoai, ăn bánh, ăn cháo…

Ngoài ra, còn có những động ngữ vừa mang nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như: ăn mừng, ăn cưới, ăn hỏi, ăn giỗ, ăn mừng thượng thọ,… Trong trường hợp vui vẻ hân hoan từ “ăn” được ghép với một từ hay nhiều từ khác để chỉ rõ việc tốt như: ăn đời ở kiếp, ăn ở với nhau đến đầu bạc răng long, ăn học, ăn diện, ăn năn hối lỗi…

Nhưng, cũng có khi để chỉ rõ một việc xấu mang tính cụ thể và trừu tượng hay nửa cụ thể, nửa trừu tượng chữ “ăn” được ghép với một hay nhiều từ như sau: ăn hối lộ, ăn chặn, ăn bớt, ăn cắp, ăn không nói có, ăn cháo đá bát…

Chúng ta đang sống trong thời kỳ kinh tế mở cửa hội nhập, đổi mới, sự hội nhập văn hóa là điều tất yếu trong sự phát triển đi lên của đất nước, nói đến chữ “ăn” thì vô cùng vô tận nhưng ăn gì, ăn như thế nào để có được một cơ thể cường tráng, một tâm hồn trong sáng, một cuộc sống lành mạnh, một gia đình hạnh phúc, một đất nước phồn thịnh?

Xin đừng: ăn cánh, ăn cháo đá bát, ăn hối lộ, ăn của phi pháp, ăn gian, ăn không nói có… và xin đừng “ăn mặm” mà “con khát nước”, hậu quả là cuộc đời gặt lấy tai họa. Không những làm khổ bản thân mình mà ảnh hưởng đến gia đình con cái và nói rộng ra là đất nước và xã hội.

HOÀNG BÍCH HÀ