Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (tt)

Cập nhật, 13:43, Thứ Năm, 28/11/2013 (GMT+7)

Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 242 điều, tăng 44 điều so với Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2002. 

Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra những quy định cụ thể hơn và bảo vệ lợi ích cho người lao động nhiều hơn. 

Bộ luật Lao động là văn bản luật có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những chế định điều chỉnh các quan hệ lao động và các quan hệ liên quan nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cho mình, từ số báo này Báo Vĩnh Long xin giới thiệu tới bạn đọc phần tiếp theo những nội dung mà người lao động và doanh nghiệp cần biết trong Bộ luật mới.

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P1) 

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P2) 

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P3) 

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P4) 

>>Những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) (P5) 

Trách nhiệm của người sử dụng lao động và chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ)?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 47, 48 và 49 Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ là ít nhất 15 ngày trước ngày HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt HĐLĐ.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.

Về trợ cấp thôi việc:

Khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Chế độ trợ cấp mất việc làm:

Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của bộ luật này, mỗi năm làm việc trả một tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

Thế nào là HĐLĐ vô hiệu? Thẩm quyền tuyên bố, xử lý HĐLĐ vô hiệu?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì HĐLĐ vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau: Toàn bộ nội dung của HĐLĐ trái pháp luật; người ký kết HĐLĐ không đúng thẩm quyền; công việc mà hai bên đã giao kết trong HĐLĐ là công việc bị pháp luật cấm; nội dung của HĐLĐ hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.

HĐLĐ vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của HĐLĐ quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật về lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của HĐLĐ hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu.

Quy định trên, bổ sung nhóm quy định mới, gồm 3 điều quy định về HĐLĐ vô hiệu, trong đó quy định 4 trường hợp được coi là HĐLĐ vô hiệu toàn bộ gồm: Toàn bộ nội dung của HĐLĐ trái pháp luật; người ký kết HĐLĐ không đúng thẩm quyền; công việc mà hai bên đã giao kết trong HĐLĐ là công việc bị pháp luật cấm; nội dung của HĐLĐ hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.

Và trường hợp HĐLĐ vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của HĐLĐ.

Quy định trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của HĐLĐ có quy định quyền lợi của người lao động, nội dung lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của HĐLĐ hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu.

Về thẩm quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu:

Thanh tra lao động, tòa án nhân dân có quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu; Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thanh tra lao động tuyên bố HĐLĐ vô hiệu.

Xử lý HĐLĐ vô hiệu:

Khi HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau: Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của pháp luật; các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.

Khi HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì xử lý như sau: Trong trường hợp do ký sai thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 của bộ luật này thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động hướng dẫn các bên ký lại; quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định cụ thể điều này.

Do đây là vấn đề phức tạp có liên quan đến quyền lợi và lợi ích một cách trực tiếp đến người lao động, nên sẽ được quy định chi tiết bởi một nghị định của Chính phủ.

Về sổ lao động, tại Điều 183 của Bộ luật Lao động năm 2002 (sửa đổi) quy định người lao động khi vào làm việc tại doanh nghiệp... sẽ được cấp sổ lao động. Bộ luật Lao động (sửa đổi) bỏ quy định việc cấp sổ lao động.

MAI TUYẾT (thực hiện) (Còn tiếp)